Vào ngày 15/11 hàng năm, các ông bố bà mẹ tổ chức lễ Shichi-go-san (trong tiếng Nhật có nghĩa là 7-5-3) để đánh dấu sự phát triển của những đứa trẻ khi chúng bước sang tuổi thứ ba, năm, hoặc bảy. Đối với người Nhật, đây được xem là những mốc quan trọng trong giai đoạn đầu đời của một đứa trẻ. Năm các bé 3 tuổi, ngày lễ lại đánh dấu thời điểm cả bé trai lẫn bé gái bắt đầu được phép nuôi tóc dài. Ở ngưỡng 5 tuổi, bé trai sẽ lần đầu chính thức mặc chiếc quần hakama. Với các bé gái năm 7 tuổi, bé gái sẽ kỉ niệm ngày lễ bằng việc lần đầu tiên thắt dải lưng thêu obi trên bộ lễ phục kimono.
Ngày lễ này được cho rằng bắt nguồn từ thời Heian (794-1185), khi các gia đình quý tộc đánh dấu sự khôn lớn của con cái họ vào một ngày may mắn trong tháng 11. Ngày lễ này cuối cùng được ấn định diễn ra vào 15/11 (một trong những ngày tốt lành nhất trong năm theo niên lịch của Nhật) trong thời Kamakura (1185-1333). Tương truyền, tướng quân Tsunayoshi Tokugawa đã tổ chức ngày lễ cho con trai mình vào chính ngày này. Vào thời Edo (1603-1868), ngày lễ lan rộng ra cả với tầng lớp bình dân. Trong ngày lễ, người dân dẫn những đứa bé ghé thăm đền thờ để cầu khấn thần linh những điều may mắn cho con trẻ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh sẽ mua cây kẹo chitose-ame (kẹo nghìn năm) cho con cái. Chiếc kẹo trắng hình gậy đi kèm với túi giấy in hình rùa, hạc – 2 linh vật biểu tượng cho sự trường thọ trong văn hóa Nhật, là lời ước nguyện của các ông bố bà mẹ về cuộc sống lâu dài, thịnh vượng suốt đời của con.
Nguồn: GoJapanGo