Khi nhiều sinh viên nước ngoài xin việc tại Nhật Bản, họ rất lạ lẫm đối với chế độ tuyển dụng tại đất nước này. Không giống với những nước khác, từ trước đến nay, Nhật Bản có một chế độ tuyển dụng sinh viên sắp tốt nghiệp rất lạ: sinh viên sẽ bắt đầu đi xin việc từ tháng 12 của năm 3 đại học (1 năm học ở Nhật bắt đầu từ tháng 4 năm này đến tháng 3 năm tiếp theo). Thông thường trong tầm tháng 1,2 của năm kế tiếp sẽ nộp đơn xin việc và phỏng vấn trong khoảng tầm tháng 3,4. Nếu sớm thì sinh viên có thể nhận được lời mời tuyển dụng từ tháng 4,5 (đầu năm 4 đại học). Chế độ tuyển dụng này bất cập ở chỗ gây khó khăn cho sinh viên trong việc sắp xếp chương trình học ở học kỳ 2 của năm 3 (từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau). Sinh viên phải đi nghe các buổi giới thiệu, tham dự các seminar của công ty hay phải đi phỏng vấn nhiều nên khó có thể tham dự hết các buổi học ở trường và tập trung cho việc học được.
Nắm được những bất cập trong chế độ tuyển dụng này, vào ngày 19 tháng 4 năm 2014 vừa qua, thủ tướng Nhật Abe đã có cuộc hội đàm với các nhà chức trách có liên quan để kiến nghị chuyển thời gian bắt đầu dự tuyển vào công ty sang tháng 3 của sinh viên năm 3, tức là chậm đi 4 tháng so với hiện tại, với mong muốn sinh viên sẽ có cơ hội tập trung hoàn thành tốt chương trình học ở trường hơn. Không những thế, thay đổi này còn tạo điều kiện cho nhiều sinh viên Nhật đang du học tại các nước Anh, Mỹ … bởi từ trước đến nay, các trường đại học ở nước ngoài kết thúc kỳ học muộn hơn ở Nhật nên các bạn không kịp quay về để kịp đăng ký dự tuyển vào các công ty lớn ở Nhật . Nhưng với chế độ mới này, phỏng vấn xin việc ở Nhật sẽ bắt đầu vào tháng 8 thay vì vào tháng 4 như hiện nay, nên các sinh viên du học nước ngoài quay về vẫn có thể kịp dự tuyển vào các công ty lớn. Điều này sẽ giúp các công ty Nhật có cơ hội tiếp cận, tuyển dụng nhiều sinh viên có khả năng ngoại ngữ- một nguồn lực quan trọng trong quá trình quốc tế hóa của nhiều công ty hiện nay.
Trên thực tế, bên cạnh sửa đổi về thời điểm tuyển dụng sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường, nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi những thứ khác nữa như nâng cao chất lượng sinh viên đại học, nội dung thực tập (internship)…. Ở Mỹ, internship thường là cơ hội để sinh viên thể hiện năng lực của bản thân, như bạn muốn vào Microsoft thì bạn sẽ xin vào làm internship ở đấy và chứng tỏ cho họ thấy bạn có khả năng gì và có thể cống hiến được những gì cho công ty. Trong khi ở Nhật thì hầu hết internship chỉ là cơ hội để sinh viên trải nghiệm môi trường làm việc ở trong công ty, có tham gia hay không cũng ít khi được đánh giá cao như ở Mỹ. Ngoài ra, ở Mỹ thì hầu như rất khó để tốt nghiệp được đại học và đi làm, nội dụng học khó đòi hỏi sinh viên phải học nhiều, học thật sự và tích cực bồi dưỡng chuyên môn của bản thân, vì thành tích học tập kém sẽ gây ấn tượng không tốt với nhà tuyển dụng và khiến sinh viên đó gặp nhiều khó khăn khi xin việc. Ngược lại, tại Nhật, ngoại trừ những ngành kỹ thuật thiên về nghiên cứu và đòi hỏi khả năng chuyên ngành thật cao, hầu như nhà tuyển dụng không chú ý đến thành tích học tập của sinh viên, chỉ cần sinh viên chịu khó phân tích bản thân tốt, nỗ lực tìm kiếm công ty và chuẩn bị phỏng vấn thật kỹ càng thì khả năng đỗ sẽ cao, có nhiều trường hợp éo le sinh viên học chăm chỉ thành tích cao vẫn trượt trong khi nhiều sinh viên học lơ tơ mơ nhưng khả năng “chém gió” tốt lại được nhận. Chính bất cập này làm nhiều sinh viên không coi trọng việc học tập tại trường đại học, môn này học rớt thì học môn khác, với suy nghĩ thành tích và khả năng học chả quan trọng gì vì đi xin việc người ta có chú trọng đến nó đâu!
Ở Nhật, bạn học một ngành và đi làm một việc không liên quan đến ngành đó là chuyện bình thường. Bạn học lâm nghiệp đi ra làm quản lý nhà hàng, bạn học xây dựng ra làm IT… không phải là chuyện hiếm ở đất nước này. Bởi đối với sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, các công ty sẽ tổ chức đào tạo bạn từ đầu, thường năm thứ nhất và thứ hai vào công ty sẽ là thời kỳ huấn luyện, và đến năm thứ 3 mới thực sự là năm sinh viên bắt tay làm việc và tạo lợi ích cho công ty thực sự, sinh lời sau hai năm đầu được công ty đầu tư. Thế nhưng theo thống kê thì trong 3 năm đầu vào công ty, sẽ có 1/3 người sẽ bỏ việc và chuyển sang việc khác vì cảm thấy không phù hợp. Liệu đây có phải chính do những bất cập do lựa chọn sai ngành nghề, không bồi dưỡng khả năng của bản thân khi còn học ở trường đại học, không xác định được phương hướng và mục đích của mình khi còn ngồi trong ghế nhà trường?
Để Nhật Bản có thể tạo ra một nguồn nhân lực cao luôn có khả năng cạnh tranh với quốc tế, để giảm đi những lãng phí vì công ty đầu từ vào trồng người mà không thu được hiệu quả và để nhiều sinh viên tìm được những công việc phù hợp với ngành nghề, phải chăng Nhật Bản cần thay đổi không chỉ là kéo dài thời kỳ tuyển dụng mà còn cần thay đổi về bản chất hệ thống giáo dục đào tạo ở nhà trường…