Viện nghiên cứu Riken vừa cho biết: cái tên Nihonium được đề xuất cho nguyên tố 113 đã được cơ quan quốc tế chấp nhận. Đây là nguyên tố hóa học đầu tiên trong bảng tuần hoàn Mendeleev được đặt tên bởi các nhà khoa học đến từ một quốc gia châu Á.
Nihonium là một trong bốn nguyên tố mà Liên minh quốc tế về hóa học thuần túy và hóa học ứng dụng (IUPAC) vừa chính thức xác nhận. Cùng với nó là 3 nguyên tố do đội khoa học của Mỹ và Nga đề xuất: 115 Moscovium (Mc), 117 Tennessine (Ts) và 118 Oganesson (Og).
Cái tên Nihonium là sự kết hợp của từ "Nihon" (Nhật Bản) – nơi nguyên tố mới được phát hiện và hậu tố của chất –ium.
"Bảng tuần hoàn là một di sản vĩ đại trong lĩnh vực hóa học. Tôi vô cùng hạnh phúc vì nay đã có một nguyên tố mang tên Nhật Bản", Kosuke Morita – vị giáo sư trưởng nhóm nghiên cứu – phát biểu trong cuộc họp báo tại Fukuoka. Morita hi vọng khi nguyên tố mới này được đưa vào sách giáo khoa, thế hệ trẻ sẽ tự hào về nó và hứng thú hơn với môn hóa học.
Nihonium là một nguyên tố siêu nặng, có cấu tạo phức tạp, chu kỳ bán rã ngắn hơn một phần nghìn giây. Vì thế, nó rất khó phát hiện hoặc đưa vào ứng dụng thực tế.
Các nguyên tử được tổng hợp nhân tạo có 113 proton trong hạt nhân. Nhóm nghiên cứu của Morita đã tạo ra nguyên tử Nh bằng cách bắn ion kẽm vào bismuth để kết hợp 2 nguyên tử tương ứng có 30 proton và 83 proton lại.
Nguồn: http://www.japantimes.co.jp/