Lễ hội Obon

31/08/2018

Một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam là Lễ Vu Lan và Lễ xá tội vong nhân cùng thời điểm, diễn ra vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Ở Nhật Bản, có một ngày lễ với ý nghĩa tương tự, là Lễ hội Obon, mang thông điệp: “Linh hồn của người đã khuất sẽ quay trở về trần thế”

Trải qua hơn 500 năm lịch sử, Lễ hội Obon đã trở thành một phong tục truyền thống, một nét đặc sắc trong văn hóa của người Nhật Bản, nối kết quá khứ, hiện tại và tương lai. Những người con xa xứ trở về, mọi người từ khắp nơi đoàn tụ, gặp mặt gia đình. Tất cả cùng hướng về nơi quê cha đất tổ, với tấm lòng tưởng nhớ những công lao của tổ tiên, những người thân đã khuất.

http://vyctravel.com/libs/upload/ckfinder/images/Nhat_Ban/le-hoi-obon1.jpg

Gắn liền với Lễ hội Obon là điệu múa dân gian lâu đời- Bon Odori. Tương truyền rằng, vũ điệu này bắt nguồn từ câu chuyện về Phật tử Mokuren. Ông đã tìm thấy người mẹ quá cố của mình đói khổ ở dưới địa ngục, như một hình phạt vì những điều ích kỉ, nghiệp ác mà bà đã tạo ra khi còn ở trần thế. Thương mẹ, ông đến bên Phật Tổ cầu xin, Phật đã hướng dẫn ông dâng cúng lễ vật lên chư tăng, những vị tăng nhân vừa hoàn tất ba tháng an cư kiếp hạ giới vào ngày 15 tháng 7. Mokuren đã làm theo lời chỉ bảo của Phật và giải thoát cho mẹ. Cảm kích xen lẫn với niềm vui khôn tả, ông đã thể hiện ra bằng điệu múa của mình. Điệu múa Bon Odori bắt nguồn từ đó. Đến nay, điệu nhảy Bon Odori đã phát triển thành rất nhiều phong cách, trên các nền nhạc đa dạng ở những vùng khác nhau. Kiểu truyền thống điển hình là các vũ công nhảy múa vòng tròn quanh một giàn gỗ gọi là Yakura.

Lễ hội kéo dài 3 đến 4 ngày, tùy vòa từng khu vực mà ngày bắt đầu khác nhau. Ngày lễ hội phổ biến và lớn nhất là Hachigatsu Bon, giống như tên gọi của nó, được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 dương lịch, tại cố đô Kyoto. Lễ hội Obon được tổ chức thành 2 lễ chính là Mukaebo- Đón các linh hồn và Okuribon- Tiễn các linh hồn.

Đồ thờ cúng trong Lễ hội thường là những chiếc bánh khảo với đủ màu sắc, được khéo léo nặn thành những hình hoa sen, được người Nhật gọi là Hatsu Okashi. Đi kèm với đó là những giỏ hoa quả Obon dana được trang trí, bày biện trên bàn thờ một cách tinh tế. Theo mỗi ngày lễ mà đồ cúng cũng thay đổi. Ngày 13 là Mukaedango (Bánh đón linh hồn), 14 là Ohagi (Bánh bột gạo), 15 là Soumen (Bún làm bằng bột gạo) và ngày 16 là Okuridango (Bánh tiễn linh hồn).

Một hoạt động tín ngưỡng quan trọng trong lễ hội Obon là sự kiện dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất trở về trời bằng 5 đám lửa lần lượt được đốt lên ở 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Những đám lửa lớn được sắp xếp theo hình dạng của các chữ Hán. Bắt đầu là chữ Đại (Daimonji), rồi đến Diệu (Myo), Pháp (Ho) và Thuyền (Funagata), chữ Đại nhỏ ở đỉnh núi nhỏ hơn gọi là Hidari-Daimonji, gần với chùa Vàng.

Kết thúc lễ hội là nghi thức Toro Nagashi (thả thuyền giấy). Các con thuyền được xếp bằng giấy rồi thả theo các con sông như là biểu tượng để tiễn đưa linh hồn những người quá cố trở về thế giới của họ.

http://vyctravel.com/libs/upload/ckfinder/images/Nhat_Ban/000abd-obon.jpg

Ngoài các hoạt động tín ngưỡng, Obon chính là một dịp để người Nhật được xả hơi, hòa mình vào không khí sôi động của hội hè. Họ mặc Yukata, một loại Kimono truyền thống với chất liệu vải mỏng và mát. Xuyên suốt lễ hội là các cuộc đi chơi ngoài trời và các trò chơi dân gian diễn ra rất sôi nổi. Một trong những loại quả được sử dụng nhiều nhất trong lễ hội là dưa hấu, như một thành viên không thể thiếu trong những cuộc vui. Lễ hội thường kết thúc với những đợt biểu diễn pháo bông vô cùng đẹp mắt.

https://www.dulichcongvu.com/uploads/Le_hoi_dem_Chichibu.jpg

Ngày nay, Lễ hội Obon không chỉ được tổ chức ở trên đất nước Nhật Bản mà còn được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, ở đâu có cộng đồng người Nhật sinh sống thì ở đó người ta tổ chức lễ hội này, như một cách để lưu giữ và lan tỏa một tinh hoa văn hóa truyền thống của người Nhật.

 Tổng hợp

 

Chia sẻ bài viết:
Fanpage:

Thư viện

LIÊN TỪ + QUÁN NGỮ TRONG TIẾNG NHẬT

👉 Download PDF: https://bit.ly/36Vz4LZ Nhanh tay lưu về ôn thi thôi nào!

Trung tâm ngoại ngữ Nhật Bản - Việt Nam

Địa chỉ: 13rd Floor | TID Building 4 Lieu Giai Street, Ba Dinh District| Ha Noi. Vietnam
Điện thoại: 024 3232 1581
FAX: 024 3232 1583
Website: jvrc.com.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tiengnhatjvrc/

E-mail:tinhlt@cpvn.vn; binh@cpvn.vnlananh@cpvn.vn